Rời trung tâm Đà Lạt theo hướng Bắc đi Lạc Dương, đến km 7 Tùng Lâm rẽ trái, du khách còn phải vượt qua đoạn đường dài khoảng 12km gập ghềnh uốn lượn giữa những đồi thông chập chùng trước khi đến được hồ Suối Vàng, nơi mà 100 năm trước đây khi lần đầu tiên đặt chân đến vùng đất này, ngẩng ngơ trước cảnh sắc thơ mộng kỳ ảo của thiên nhiên còn nguyên vẹn nét hoang sơ, Yersin đã chạy nhảy reo hò như một cậu học trò nhỏ để sau này đề nghị với toàn quyền P. Doumer cho xây dựng khu nghỉ dưỡng nơi đây.
Hồ Suối Vàng gồm hai hồ là Dankia ở trên và Ankroet ở dưới, được tạo bởi hai đập cùng tên Ankroet chắn dòng sông Đa Dung phát nguyên từ núi Langbian; cạnh đó là một thác nước trắng xóa cũng mang tên Ankroet – thác này đã được toàn quyền Decoux chọn làm nơi xây dựng nhà máy thủy điện đầu tiên của Đà Lạt vào năm 1942.
Hồ Suối Vàng có sức chứa khoảng 20 triệu khối nước, ngoài việc cung cấp nguồn nước trong lành cho thành phố Đà Lạt, còn được dùng để vận hành tổ máy phát điện của nhà máy thủy điện Ankroet với công suất năm đạt 15 triệu kw/h.
Nơi đây còn có nhà máy nước Suối Vàng khá hiện đại do Đan Mạch giúp xây dựng hoàn thành năm 1984 với công suất 18.000m3/giây, với sự kiểm nghiệm thường xuyên của Trung tâm Y tế dự phòng đã xác nhận nước đầu nguồn luôn đạt tiêu chuẩn vệ sinh cần thiết.
Dankia – Suối Vàng ngày nay đã được nhìn nhận đúng với giá trị thực của nó. Trong một tương lai không xa nơi đây cùng với khu vực Tuyền Lâm sẽ là một đối trọng của Đà Lạt hiện nay đã bị bê tông hóa tràn lan đến bực bội. Một liên doanh gồm một bên là Tỉnh Lâm Đồng và một bên là Singapore đã có kế hoạch đánh thức nàng sơn nữ Dankia với hàng trăm hạng mục lớn nhỏ sẽ được dựng lên bên hồ, trên hồ và giữa những đồi thông, thảm cỏ mượt mà … chúng ta có quyền hy vọng nơi đây sẽ đem lại sức hấp dẫn quyến rũ cho một vùng đất huyền thoại luôn làm say đắm biết bao khách viễn du
Vị trí: Hồ Than Thở nằm cách trung tâm thành phố Đà Lạt khoảng 6km về phía đông, theo trục đường Quang Trung – Hồ Xuân Hương.
Đặc điểm: Đến thăm nơi đây, du khách sẽ được nghe kể về những chuyện tình cảm động đã mượn nước hồ để giữ mãi mối tình chung thủy.
Từ lâu, tên hồ Than Thở đã trở nên nổi tiếng với 2 câu thơ:
“Đà Lạt có thác Cam Ly
Có hồ Than Thở người đi sao đành”
Sở dĩ nổi tiếng là vì hồ nằm gần trường Võ bị quốc gia Đà Lạt (nay là Học viện Lục quân) và gắn liền với một thời hoàng kim của trường vào thập niên 1950, đầu thập niên 1960. Cứ ngày nghỉ, lễ, chủ nhật là gia đình của các học viên và người yêu kéo đến gặp nhau vui chơi ở đây. Và cho đến nay vẫn còn câu chuyện Thảo – Tâm cùng ngôi mộ của người con gái xấu số tên Thảo lạnh lẽo ở Đồi thông 2 mộ (từ ngoài vào phía tay trái khu du lịch).
Hồ Than Thở nằm trên đồi cao giữa một rừng thông tĩnh mịch. Cảnh vật quanh hồ nên thơ, mặt nước hồ luôn phẳng lặng trầm ngâm. Con đường đất ven hồ như mất hút xa xa. Tại đây dường như chỉ còn nghe vi vút tiếng gió nhẹ, tiếng thông reo như thở than, như nức nở. Có một đôi cây thông yêu nhau rất lạ ở phía bắc của hồ tạo thành một đôi “tình nhân” thông quấn quýt bên nhau không rời và du khách có thể đến đó chụp hình lưu niệm. Đồi thông ở hồ Than Thở dường như cũng đẹp hơn các nơi khác vì thông thưa hơn, cao đều hơn nên khi ánh nắng mặt trời rọi xuống ngả bóng trên thảm cỏ rất đẹp.
Xa xưa nữa, nơi đây gắn với câu chuyện tình của Hoàng Tùng và Mai Nương. Chuyện xảy ra vào thế kỷ 18, khi người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ dấy binh đánh đuổi bọn xâm lược nhà Thanh, trai tráng khắp nơi hưởng ứng, trong đó có Hoàng Tùng. Trước khi chia tay, hai người rủ nhau ra bên bờ than thở hẹn thề. Chàng hẹn đến mùa xuân – khi Mai anh đào nở sẽ đem tin thắng trận trở về. Ở nhà, Mai Nương được tin Hoàng Tùng tử trận nên nàng đã quyết định gieo mình bên dòng suối tự trầm. Nhưng trớ trêu thay, đến giữa mùa xuân Hoàng Tùng thắng trận trở về, chàng vô cùng đau buồn khi biết người yêu đã chết. Mấy năm sau triều đại Tây Sơn sụp đổ, Gia Long trả thù những người có công với triều Tây Sơn nên Hoàng Tùng đã tự vẫn bên hồ để được hạnh phúc với người yêu nơi chín suối. Từ đó hồ có tên là Than Thở cho đến ngày nay.
Vị trí: Hồ Tuyền Lâm nằm cách trung tâm thành phố Đà Lạt 5km về hướng nam.
Đặc điểm: Hồ Tuyền Lâm rộng hơn 360ha, là địa điểm thích hợp cho các hoạt động thể thao, leo núi, chèo thuyền, câu cá.
Từ một thung lũng hoang vu ở độ cao hơn 1.000m so với mặt biển, hồ Tuyền Lâm đã được cải tạo thành điểm nghỉ mát lý tưởng của vùng cao. Hồ nằm cách Ðà Lạt 5km, gọn gàng giữa rừng thông mênh mông và dòng suối tía huyền thoại. Mùa khô ở vùng này kéo dài 6 tháng, không một hạt mưa, nhưng lòng hồ vẫn đầy ắp nước. Mặt hồ quanh năm xanh biếc, hiếm khi có sóng lớn. Rừng thông ba lá phủ kín những ngọn núi, quả đồi quanh đó, trải ngút ngàn tầm mắt. Tất cả cùng hòa quyện, vẽ nên bức tranh thiên nhiên yên tĩnh, thanh bình và thơ mộng lạ kỳ. Ai đến thăm Ðà Lạt cũng ghé Thiền viện Trúc Lâm để từ trên đỉnh núi Phượng Hoàng phóng tầm mắt về phía đông nam, chiêm ngưỡng thắng cảnh nổi tiếng được tạo bởi bàn tay con người này.
Có người dành cả ngày để du ngoạn trên hồ, tận hưởng không khí trong lành, mát mẻ và sự tĩnh lặng quý báu. Trên bờ, khách có thể tìm hiểu những nét văn hóa của các dân tộc thiểu số nam Tây Nguyên với thịt nướng, cơm lam, rượu cần, đốt lửa trại; tham gia lễ hội cồng chiêng; ngắm nhìn những tác phẩm điêu hkhắc gỗ; thư giãn trên những ngôi nhà sàn, nhà dài lộng gió; bắn cung và thám hiểm rừng sâu.
Cùng với trò chơi hóa trang thành các chàng trai, cô gái miền sơn cước, du khách thường rất hứng thú với các hoạt động thể thao nhẹ nhàng như bóng đá một gôn, bóng chuyền trên cát, nhà dù, câu cá, cưỡi voi, cưỡi ngựa. Hiện có 5 con voi đã thuần dưỡng đang sống tại khu du lịch Tuyền Lâm và khu dã ngoại Ðá Tiên. Nhiều loại thú hoang mất dấu nhiều năm nay đã quay về như khỉ, sư tử mặt đỏ cùng nhiều động vật khác sống thành đàn. Năm 2001, có gần 100 nghìn khách tham gia các tour du lịch trên hồ, khoảng 15% là du khách quốc tế, chủ yếu là khách châu Âu. Họ thường chọn những chương trình thám hiểm rừng sâu để quan sát chim thú và ghi âm những âm thanh của núi rừng. Vào xuân, hồ Tuyền Lâm lấp lánh màu ngọc bích, tô đậm thêm nét thơ mộng, lãng mạn của Ðà Lạt vốn đã xinh tươi.
Để tới Hồ Tuyền Lâm, ta theo quốc lộ 20, lên đèo Prenn, qua khỏi thác Ðatanla rẽ về phía trái chừng hơn 1km, băng qua những rừng thông ngút ngàn, du khách sẽ bắt gặp Hồ Tuyền lâm xanh biếc và đầy vẻ quyến rũ.
Với diện tích mặt nước khoảng 350ha, hồ Tuyền Lâm được tạo thành bởi dòng suối Tía.
Tên hồ không biết có tự bao giờ và do ai đặt, nhưng có lẽ cũng do xuất phát từ khung cảnh thiên nhiên kỳ vĩ ở đây mà tên gọi ấy đã sống mãi. Ðó là nơi gặp gỡ giữa sông, suối và cây rừng.
Năm 1982, để đảm bảo nước tưới cho hàng trăm ha lúa của huyện Ðức Trọng, Nhà nước đã cho xây dựng đập ngăn nước tại đây. Năm năm sau, công trình được hoàn thành và đã dần dần trở nên một điểm tham quan, du lịch không thể thiếu đối với nhiều người. Với mặt nước mênh mông quanh co dưới chân những ngọn núi nhấp nhô, trùng điệp, ở mỗi khúc quanh, non nước trời mây hình như luôn biến đổi. Nơi này là rừng thông non, nơi kia là non cao với lớp lớp ngàn thông thẳng tắp. Tuyền Lâm ! thật đúng là non xanh nước biếc, phong cảnh hữu tình.Vào những ngày đẹp trời, dùng canô hay thuyền buồm du ngoạn trên mặt hồ, du khách sẽ được chiêm ngưỡng tận mắt những đồi thông xanh mởn, xen giữa là những cụm rừng già và những sườn đồi thoai thoải, soi bóng xuống mặt hồ. Trước khung cảnh ấy, lòng ta như bâng khuâng, đồng thời lại có cảm giác như vừa trút bỏ được hết những vướng bận của bụi trần để bước chân vào chốn thần tiên.
Buổi sớm, hồ nước phủ đầy sương trắng và yên tĩnh đến lạ kỳ, chỉ có tiếng chim quyện thành vòng, thành chuỗi để rồi tan xuống mặt hồ phẳng lặng. Buổi trưa bầu trời sáng láng, mặt hồ xanh biếc như biển khơi, lấp lánh ánh thủy tinh. Ðến chiều thì mềm ra trong ánh sáng mát lạnh và mặt hồ dần dần chuyển sang màu xanh thẫm. Nếu ngồi ở hồ Tuyền Lâm câu cá, làm thơ, hoặc đi dạo với người yêu vào những thời điểm như vậy, mới cảm nhận được hết vẻ kỳ ảo, thơ mộng và huyền diệu của cảnh sơn thủy hữu tình mà tạo hóa đã ban cho đất trời Ðà Lạt.